18008000

Hé lộ 3 từ khóa định hướng tương lai Viettel Cloud trong kỷ nguyên số

Monday, 17/06/2024, 08:06 (GMT + 7)

Ra đời với tiêu chí "hợp tác", đảm bảo "an toàn" ở mức cao nhất trong quá trình vận hành và hướng tới một tương lai "xanh" trong lĩnh vực nổi tiếng tiêu thụ nhiều điện năng, Viettel Cloud đã chứng minh khả năng đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu nhất của khách hàng trong quá trình dịch chuyển lên cloud.

Tăng trưởng kép 2 con số và cơ hội không thể bỏ qua

Báo cáo từ ResearchAndMarket, hãng nghiên cứu danh tiếng trụ sở tại Dublin, Ireland, công bố hồi đầu năm 2024 cho thấy lĩnh vực điện toán đám mây toàn cầu sẽ tăng từ 626,4 tỷ USD vào năm 2023 lên tới 1.266,4 tỷ USD vào năm 2028. Con số này đồng nghĩa tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 15,1%. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương được dự báo có tốc độ phát triển các trung tâm dữ liệu cao vượt trội so với phần còn lại của thế giới.

Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Dù quy mô thị trường điện toán đám mây ở Việt Nam hiện chỉ bằng trên 50% so với các nước trong khu vực nhưng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á và đứng thứ 3 châu Á. Số liệu năm 2023 cho thấy tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong lĩnh vực điện toán đám mây đạt 19% mỗi năm và được dự báo duy trì trong 5 tới 10 năm tới.

Tuy nhiên, hơn 70% thị phần điện toán đám mây tại Việt Nam vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Các giải pháp Make in Vietnam hiện đang chiếm khoảng 22% thị phần, tăng 2% so với thống kê của năm trước đó.

Các nền tảng điện toán đám mây của người Việt đang đứng trước những cơ hội to lớn để phát triển. Nghị định 53/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật An ninh mạng và Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã đặt ra nhiều quy định để đảm bảo an ninh, an toàn cho dữ liệu người Việt mà một trong số đó yêu cầu các nhà cung cấp phải đặt trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.

Với lợi thế của doanh nghiệp Việt, thấu hiểu luật pháp, đáp ứng các quy định cũng như hiểu rõ thói quen, nhu cầu của khách hàng Việt, Viettel Cloud và các nhà cung cấp dịch vụ khác đang đứng trước cơ hội lớn để giành thêm thị phần trong lĩnh vực được dự báo có thể tăng trưởng lên 1,2 tỷ USD vào năm 2030.

Hệ sinh thái Viettel Cloud và những key word đặc biệt

Ra đời năm 2022, Hệ sinh thái Viettel Cloud trở thành dấu ấn của sản phẩm công nghệ do người Việt phát triển và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực điện toán đám mây. Dựa trên những nền tảng mà Tập đoàn Viettel xây dựng trong suốt nhiều năm qua, hệ sinh thái cloud này hướng tới mục tiêu trở thành nền tảng an toàn, linh hoạt, bền vững cho hành trình chuyển đổi số của Chính phủ, tổ chức và doanh nghiệp.

Ngoài ra, sự thấu hiểu người Việt với danh mục sản phẩm đa dạng giúp Viettel Cloud dễ ghi dấu ấn với người dùng trên sân nhà trong khi nền tảng đảm bảo an toàn  bảo mật và cam kết tỷ lệ uptime lên đến 99,99%.

Tuy nhiên, chia sẻ về Viettel Cloud, Phó Tổng giám đốc Viettel Solutions Lê Quang Hiếu cho biết hệ sinh thái ra đời không phải để cạnh tranh với các dịch vụ của các nhà cung cấp nước ngoài. Thay vào đó, từ khoá "hợp tác" là một trong những tiêu chí hàng đầu của người Viettel khi cho ra đời hệ sinh thái điện toán đám mây của chính mình.

Trong quá trình chuyển dịch lên Cloud, một điều mà khách hàng quan tâm nhất chính là an toàn. Các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây buộc phải chứng minh mức độ tin cậy cao nhất cho người dùng trong bối cảnh xảy ra khoảng 40 cuộc tấn công mạng/ngày và ngày càng có nhiều vụ lộ, lọt dữ liệu gây ra những hậu quả nghiêm trọng được ghi nhận gần đây trên toàn thế giới và cả ở Việt Nam.

"An toàn, an ninh mạng được nói tới nhiều nhưng thành thực mà nói, câu chuyện này đa số vẫn là mất bò mới lo làm chuồng", ông Hiếu nêu ra tình cảnh chung đối với nhiều doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại. Theo chuyên gia này, nếu đầu tư sớm, khách hàng chỉ phải trả một khoản tiền để đề phòng. Thế nhưng, nếu phải chi tiền chuộc dữ liệu, khắc phục thiệt hại rồi tăng cường bảo mật sau khi bị tấn công, con số sẽ lớn hơn rất nhiều.

Với kinh nghiệm sâu, rộng trong lĩnh vực viễn thông, năng lực đảm bảo an ninh, an toàn trên không gian mạng ở 11 quốc gia, Viettel đã được chứng thực với hàng loạt giải thưởng quốc tế trong các lĩnh vực khác nhau. Việc phát triển bài bản với nền tảng an ninh mạng vững chắc cũng như lợi thế của nhà cung cấp với các trung tâm dữ liệu khổng lồ đặt tại Việt Nam giúp Viettel Cloud đáp ứng được những yêu cầu về bảo mật trong quá trình chuyển đổi sang điện toán đám mây này.

Tuy nhiên, ông Lê Quang Hiếu cũng cho rằng bản thân người sử dụng cũng cần ý thức và kiến thức để đảm bảo an toàn cho dữ liệu của chính mình. Biện pháp hữu hiệu nhất là sao lưu dữ liệu dự phòng sang một không gian khác để dự phòng tình huống xấu….

Cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và Cloud, quy mô của các trung tâm dữ liệu sẽ ngày càng lớn, kéo theo lượng điện năng tiêu thụ khổng lồ (ở các nước phát triển là 2-3% tổng lượng điện tiêu thụ). Đi kèm với đó, nhu cầu về DC xanh (tiết kiệm năng lượng) sẽ trở thành chuẩn mực mới cho các trung tâm dữ liệu thế hệ tiếp theo, nhất là khi Việt Nam đang hướng tới các mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. 

Tập đoàn Viettel thấu hiểu điều này. Hiện tại, Viettel đã đưa vào khai thác một trung tâm dữ liệu thế hệ mới với chỉ số tiêu thụ điện năng PUE ở mức 1,4-1,5 (thấp nhất Việt Nam). Ông Lê Quang Hiếu cho biết các trung tâm dữ liệu của Viettel về sau đều phải đáp ứng tiêu chí "xanh" này. Bên cạnh đó, các công trình khác của Viettel, chẳng hạn như trụ sở chính, cũng được phát triển theo hướng xanh và thân thiện với môi trường.

MOST VIEWED NEWS