Tin tức liên quan
Sau 5 năm triển khai các IOC tại nhiều tỉnh thành thì Viettel Solutions đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quan trọng gì?
Sau 5 năm triển khai, chúng tôi rút ra được rất nhiều bài học, nhưng có thể tóm gọn trong 3 ý.
Thứ nhất, Viettel Solutions đã hoàn thiện được bài toán về IOC từ yêu cầu thực tiễn, qua đó sẽ hoàn thiện được giải pháp đáp ứng và xây dựng được hệ thống đầy đủ tính năng hơn, gần gũi và thân thiện với nhu cầu người dùng hơn.
Thứ hai, Viettel Solutions đã dần hoàn thiện được mô hình tư vấn triển khai IOC, nằm trong hệ sinh thái các sản phẩm đô thị thông minh, chính quyền số. Giải đáp những câu hỏi “IOC cần kết hợp với những hệ thống nào, giao tiếp, trao đổi ra sao, các nguồn nuôi dữ liệu chính là gì…” là mô hình để vận hành hệ thống IOC một cách bền vững.
Thứ ba, Viettel Solutions đã hoàn thiện các phương án vận hành, khai thác cho cả người dùng và đội ngũ phát triển.
Từ việc xây dựng các KPI như thế nào để biết được hệ thống hoạt động tốt, để hệ thống thực sự sống được, tức là phải đi vào cuộc sống, đến các tiêu chuẩn yêu cầu với người sử dụng là lãnh đạo và cả người dùng khác như thế nào. Cần đảm bảo về tính đồng bộ và tích hợp giữa các hệ thống triển khai IOC với các hệ thống khác của địa phương, những yếu tố cần kế thừa, sử dụng, hay cái gì cần nâng cấp, thay mới, từ đó tư vấn cho khách hàng các kế hoạch triển khai cho phù hợp.
Chúng tôi cũng điều chỉnh liên tục hệ thống theo nhu cầu thực tiễn. Ví dụ như, việc triển khai IOC ở Đà Nẵng vào thời điểm thành phố gặp phải đợt mưa lớn, ngập lụt diện rộng. Khi đó, bài toán là điều hành việc ứng cứu ngập lụt cho thành phố, điều tiết nguồn lực, điều tiết giao thông, xử lý về các hệ thống thoát nước,…
Chúng tôi cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm cho việc đào tạo người dùng, bổ sung nhận thức gì về an toàn thông tin, về sử dụng hệ thống, đặc biệt với đối tượng người dùng là lãnh đạo.
Trực tiếp làm việc với các tỉnh, thành phố trong việc triển khai đô thị thông minh, theo ông, đâu là những nhân tố tạo nên thành công cho địa phương?
Đầu tiên, yếu tố tiên quyết nhất chắc chắn cần có sự ưu tiên nguồn lực để triển khai hệ thống công nghệ, bao gồm nguồn lực về hạ tầng, ngân sách, nhân sự,... Cùng với đó, trong công tác triển khai, có 3 điểm cần lưu ý.
Một là, địa phương cần phải có sự cam kết mạnh mẽ, thể hiện thông qua sự quan tâm, quyết tâm của lãnh đạo địa phương với IOC nói riêng, cũng các ứng dụng phục vụ chuyển đổi số cho chính quyền, cho kinh tế, cho xã hội nói chung. Thực tế cho thấy, lãnh đạo địa phương tích cực sử dụng sẽ giúp hệ thống ngày một cải thiện, từ tính năng đến mức độ thân thiện với người dùng, và thúc đẩy người dân tích cực sử dụng hơn, giúp các bài toán cũng được đa dạng hơn.
Hai là, cần có sự phối kết hợp giữa các chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ trong bộ máy. Nếu như trước đây, bộ phận nào biết bộ phận đó, thì giờ các hệ thống chuyển đổi số sẽ kết nối về mặt dữ liệu, kết nối về mặt nghiệp vụ, kết nối về mặt khai thác. Thế nên, nếu không có sự hiệp đồng tác chiến một cách nhịp nhàng, ăn ý giữa các bộ phận thì hệ thống rất khó có thể duy trì và đi vào cuộc sống được.
Ba là cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn. Việc tuyên truyền, đào tạo cũng cần được cập nhật liên tục, để người dùng liên tục đặt ra các bài toán thiết thực, phù hợp hơn, phát hiện ra những vướng mắc, bất cập. Quá trình này sẽ giúp hình thành văn hóa số cho người dùng.
Vậy còn về phía Viettel Solutions, đâu là mấu chốt tạo nên thành công khi triển khai IOC tại các địa phương?
Nếu như các cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất, thứ hai, thứ ba thì công nghệ quyết định cách làm, nhưng cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì từ thói quen, từ hành vi, từ nhu cầu thực tiễn người dùng sẽ hình thành nên hệ thống đáp ứng tương ứng.
Do đó, trong việc triển khai IOC, điều quan trọng nhất với đội ngũ phát triển của Viettel Solutions là sự lắng nghe, may đo, điều chỉnh linh hoạt theo nhu cầu thực tiễn của từng địa phương, từng lĩnh vực.
Đồng thời, chúng tôi cũng phải luôn luôn cập nhật công nghệ mới, cải tiến liên tục, thấu hiểu nhu cầu và những vấn đề thực tiễn phát sinh. Ý thức được điều đó nên Viettel Solutions luôn cam kết đồng hành với người dùng, với khách hàng để đưa hệ thống vào cuộc sống một cách tốt nhất.
May đo theo đặc điểm cụ thể của từng địa phương vốn là điểm mạnh cho các giải pháp của Viettel Solutions. Sau khi triển khai 5 năm, thế mạnh được bổ sung của Viettel Solutions là gì?
Đến nay, bài học chuyển đổi số “may đo” theo nhu cầu thực tiễn vẫn còn nguyên giá trị và sẽ còn phù hợp trong tương lai. Tuy nhiên, may đo phải ngày càng cải tiến hơn.
Thứ nhất, ngoài việc may đo, cần phải khai thác được các giá trị của dữ liệu đã thu thập được, đòi hỏi phải thích ứng, tích hợp được các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn.
Ví dụ, trước đây, các bài toán nhận diện hình ảnh khá đơn giản, như phát hiện đám đông, phát hiện vi phạm giao thông chẳng hạn. Giờ đây có những bài toán phức tạp hơn như phát hiện ra biến đổi khí hậu, thay đổi môi trường,...
Thứ hai, cần xây dựng các bộ KPI, để bên cạnh việc tiêu chuẩn hóa, thì còn đưa các nội dung chuyển đổi số thành mục tiêu và đạt được một cách nhanh nhất. Ví dụ, nếu KPI là tỷ lệ phản ánh của người dân được xử lý đúng hạn thì cả hệ thống, quy trình, bộ máy sẽ điều chỉnh làm sao để đạt được KPI đó.
Như thế, vẫn là may đo, nhưng may đo gắn với công nghệ hơn, có KPI và chính bộ KPI cũng được may đo, điều chỉnh liên tục.
Triển khai IOC, thay đổi gần như hoàn toàn cách tương tác giữa người dân và chính quyền không phải câu chuyện đơn giản, đặc biệt là đối với những tỉnh vùng sâu vùng xa, nơi người dân còn chưa quen với công nghệ. Viettel Solutions đã mang đến lời khuyên, giải pháp gì cho các địa phương?
Thứ nhất, hạ tầng cần được phát triển. Bên cạnh hạ tầng truyền thông kết nối thì cần phát triển cả hạ tầng về dữ liệu, đám mây, năng lực tính toán, an toàn thông tin. Hạ tầng số là hạ tầng của hạ tầng. Các hạ tầng này sẽ đòi hỏi ngày càng cao và cần đồng bộ hơn.
Thứ hai, cần tập trung hình thành nhận thức, văn hóa số cho người dùng, cũng như cần có sự quan tâm của các các bộ phận trong bộ máy chính quyền. Tất cả các bộ phận cần cộng hưởng, phối kết hợp với nhau.
Thứ ba, cần có sự ưu tiên nguồn lực dành cho chuyển đổi số, mặc dù chi phí này có thể không cao so với các đầu tư khác của địa phương nhưng vẫn chưa có nhiều sự ưu tiên.
Những phát triển mới của mô hình triển khai IOC mà Viettel Solutions sẽ triển khai trong thời gian tới là gì?
Chúng tôi cũng đã xây dựng lộ trình cụ thể cho sản phẩm này rồi, có thể tựu trung lại ở vài từ khóa.
Thứ nhất là là đa dạng hóa. IOC sẽ là trung tâm kết nối rất nhiều các hệ thống, nhiều lĩnh vực, nhiều dữ liệu nên tính mở, tính đa dạng của hệ thống phải được sẵn sàng.
Thứ hai là di động hóa. Trước đây, IOC chỉ là hệ thống ở trung tâm điều hành, trung tâm chỉ huy thì bây giờ đã di động theo từng người, đặc biệt các đồng chí lãnh đạo với các nhu cầu rất cụ thể.
Thứ ba là cá thể hóa. Chúng tôi hướng đến mỗi người dùng khác nhau sẽ có những tính năng khác nhau, giao diện màu sắc, đặc trưng khác nhau, theo từng người dùng hoặc theo từng địa phương, từng đơn vị.
Thứ tư là tự động hóa nhiều tầng. Dựa trên các mô hình tính toán dữ liệu sẽ ra được các cảnh báo cần thiết, đến người chỉ huy trực tiếp, hoặc lãnh đạo cấp trên, và đến cả cấp cao nhất. Việc phân phối, xử lý các công việc cũng sẽ được tự động hóa.
Cuối cùng là sẽ triển khai mô hình hybrid, tức là IOC vừa tập trung, vừa phân tán. Cấp tỉnh có IOC cấp tỉnh, cấp quận, huyện, cấp sở, ngành cũng sẽ có IOC tương ứng. Ngoài ra thì chúng tôi cũng tập trung khai thác, sử dụng công nghệ mới trong các hệ thống giải pháp, như là ứng dụng trí tuệ nhân tạo hoặc Big Data, IoT.
Xin cảm ơn ông!